Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Trận_Białystok–Minsk

Sơ đồ mô tả kết quả trận hợp vây Białystok–Minsk

Kết quả

Qua tuần đầu của cuộc chiến tranh, các đơn vị thuộc Phương diện quân Tây (Liên Xô) đã bị thiệt hại rất lớn. Số quân bị bao vây và bị đánh tan trong vòng vây tại khu vực sâu 300 km từ Białystok đến Minsk gồm 11 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn kỵ binh, 6 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cơ giới. 3 chỉ huy quân đoàn và 2 chỉ huy sư đoàn tử trận, 2 chỉ huy quân đoàn và 6 chỉ huy sư đoàn bị bắt làm tù binh, 1 chỉ huy quân đoàn và 2 chỉ huy sư đoàn mất tích. Trong vòng 10 ngày, Phương diện quân Tây mất 42 vạn người (trong tổng số 62 vạn 5 nghìn quân lúc khởi chiến). Thương vong của quân Đức không lớn, một số tài liệu ước tính họ mất không quá 10.000 người.

Tập đoàn quân không quân 2 (Luftflotte 2) của không quân Đức (Luftwaffe) đã góp phần trong việc hủy diệt lực lượng không quân Xô Viết trong Phương diện quân Tây. Khoảng 1.669 máy bay của Hồng quân đã bị phá hủy, nhưng phía Đức cũng mất 276 máy bay và hỏng 208 chiếc. Chỉ sau một tuần chiến đấu, tổng số máy của các đội bay Đức tập đoàn quân không quân 1 (Luftflotte 1), Tập đoàn quân không quân 2 (Luftflotte 2) và Tập đoàn quân không quân 4(Luftflotte 4) chỉ còn 960 chiếc.[21]

Trái với dự tính ban đầu của quân Đức, lực lượng Hồng quân bị vây đã chiến đấu hết sức quyết liệt và gây cho quân Đức nhiều thương vong. Đồng thời, một phần lớn lực lượng Hồng quân bị vây đã thành chạy thoát ra bên ngoài do quân Đức thiếu hụt các thiết bị chuyên chở bộ binh và vì vậy quá trình khép chặt vòng vây bị chậm lại - điều mà bản thân Hitler luôn lo lắng. Kết cục là đã có 25 vạn Hồng quân thoát khỏi "cái túi kép" ở Bialystok-Minsk, và còn lại 29 vạn Hồng quân bị bắt làm tù binh, khoảng 1.500 pháo và 2.500 xe tăng của Liên Xô bị phá hủy. Phần lớn những tù binh Liên Xô không sống được quá vài tháng trong những điều kiện tồi tệ của nhà tù và trại tập trung Đức chuyên giam giữ và hủy diệt tù binh Liên Xô.[22].

Đánh giá

Quân đội Liên Xô

Do xác định hướng đánh chính là Ukraine, nên lực lượng tại Belorussia không được bố trí đủ mạnh. Với Đức, hướng đánh chính là Belorussia với 2/4 tập đoàn quân xe tăng. Trong cuộc thao diễn trên bản đồ, Xô viết hoàn toàn có thể xác định được hướng tiến công của Đức tại Belorussia, nhưng do sự đố kỵ nên chỉ huy Belorussia tướng Pavlov dù đã thua trên thao diễn nhưng đã bỏ qua lời khuyên của Zhukov bố trí lại lực lượng ở Belorusia. Ngoài yếu tố nhận định sai lầm về thời điểm xảy ra chiến sự và bị tấn công bất ngờ thì sai lầm lớn nhất của Phương diện quân Tây (Liên Xô) là việc bố trí binh lực. Trong ba tập đoàn quân bố trí tại tuyến 1, tập đoàn quân 10 có binh lực mạnh nhất được bố trí ở giữa trong khu vực Białystok. hai bên sườn là các tập đoàn quân 3 và 4 có binh lực yếu hơn. Trong đó, tập đoàn quân 4 có binh lực kém nhất đã phải đối diện với tập đoàn quân xe tăng 2 có binh lực mạnh nhất của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức). Khu vực tam giác Białystok - Osovet - Chervony Bor là một vòng cung hướng sang đất Ba Lan. Đây là một trận địa rất bất lợi cho quân đội Liên Xô. Hình thái bố trí như vậy gây ra nguy cơ bị đánh bọc sườn từ hai hướng Grodno và Brest. Với binh lực không đủ mạnh, hai tập đoàn quân 3 và 4 bố trí ở Grodno và Brest không thể bố trí các trận địa phòng ngự có chiều sâu để đối phó với các đòn đột kích mạnh bằng xe tăng. Khi chủ lực Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã áp đảo ở hai bên sườn thì Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây cũng không kịp thời rút tập đoàn quân 10 khỏi khu vực Białystok để chi viện cho hai tập đoàn quân 3 và 4 ở hai cánh của họ mà lại để tập đoàn quân này thụ động ngồi chờ quân Đức đến. Hướng phản kích của cụm kỵ binh cơ giới do tướng V. I. Boldin thực hiện ngày 24 tháng 6 tuy chặn được tập đoàn quân 9 (Đức) nhưng tập đoàn quân 4 lại không làm được điều này mặc dù đã có trong tay quân đoàn cơ giới 14. Cuối cùng, khi có nguy cơ bị bao vây, cả Bộ Tư lệnh phương diện quân và tư lệnh các quân đoàn đều chậm trễ trong việc cho rút quân.[23]

Sai lầm tiếp theo thuộc về Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô và cá nhân I. V. Stalin với bản Chỉ thị số 3 được ban hành đêm 22, rạng ngày 23 tháng 6. Khi đề ra nhiệm vụ phản công, Cả Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh các phương diện quân đều không nắm rõ tình hình mặt trận. Do đó, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô và I. V. Stalin đã hành động theo cảm tính mà không xuất phát từ việc phân tích tình hình, đã hành động duy ý chí mà không tính đến khả năng thực tế của quân đội. Thông tin liên lạc của quân đội Liên Xô chủ yếu dựa vào các đường dây hữu tuyến. Khi bị ném bom, pháo kích và bị các đội biệt kích của Đức luồn sâu phá hoại, liên lạc nhanh chóng bị cắt đứt làm cho các đơn vị quân đội hành động trong tình trạng bị cô lập, không nắm được tình hình chung cũng như tình hình hai bên sườn. Trong tình trạng đó, các cấp chỉ huy thường hành động dựa theo sự phán đoán cá nhân và rất dễ dẫn đến sai lầm. Tình hình thực tế cho thấy việc duy nhất có thể làm là tránh các đòn đột kích bằng xe tăng của quân Đức và dùng các đơn vị xe tăng Liên Xô luồn vào phía sau các cánh quân xe tăng Đức đã vượt xa bộ binh để đánh vào các đơn vị bộ binh Đức được trang bị yếu hơn. Các cuộc phản kích của các quân đoàn cơ giới Liên Xô đều tiến hành trực diện nhưng lại không được tổ chức chu đáo, tiến hành rời rạc, thiếu hụt lớn về tiếp tế nhiên liệu và đạn dược, công tác hậu cần rối loạn nên không tránh khỏi thất bại.[24]

Quân đội Đức Quốc xã

Thắng lợi trong 10 ngày đầu chiến tranh của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm (Đức) tại Belorussia là thắng lợi lớn nhất so với hai cụm tập đoàn quân Bắc và Nam. Kế hoạch tổ chức chu đáo của quân đội Đức đã giúp họ không chỉ gây bất ngờ cho đối phương mà còn tung ra đòn đánh của các lực lượng xe tăng đột kích mạnh với ưu thế binh lực áp đảo từ 5 đến 6 lần vào đúng những chỗ hiểm yếu nhất trên tuyến phòng thủ biên giới của Phương diện quân Tây. Lục quân Đức cũng tận dụng được những ưu thế trên không do không quân Đức đã hủy diệt hầu hết các sân bay Liên Xô gần biên giới để làm áp lực chống lại các quân đoàn cơ giới và bộ binh Liên Xô. Quân đội Đức cũng tận dụng được những sai lầm của quân đội Liên Xô trong chỉ huy tác chiến, khoét sâu các sai lầm đó bằng cách chia cắt các tập đoàn quân Liên Xô thành các cụm cô lập và tiêu diệt từng bộ phận.

Trình độ tổ chức và tác chiến của Đức tiên tiến, nhiều kinh nghiệm, phối hợp cao. Tuy nhiên khi tổ chức thọc sâu bằng các đơn vị xe tăng thì Đức lại có rất ít các đơn vị cơ giới phụ trợ. Cụm quân Trung tâm có tới 10 sư đoàn xe tăng nhưng chỉ có 6 sư đoàn cơ giới. Lực lượng cơ giới này không đủ để bọc kín sườn cho các đơn vị xe tăng.

Tuy nhiên, Hitler không hài lòng về những kết quả đạt được. Theo kinh nghiệm của cuộc chiến ở Tây Âu, Ba Lan và Balkan thì các mũi thọc sâu bằng xe tăng phải đạt được kết quả lớn và nhanh chóng hơn. Theo Hitler thì chiến thắng tại Białystok-Minsk chỉ đạt được một nửa kế hoạch bởi các lòng chảo bao vây lớn do các binh đoàn xe tăng tiến quân ào ạt đã trở thành một hình thù rất dài mà khi các lực lượng bao vây bị kéo dài thì sức mạnh tập trung bị yếu đi. Vì vậy, Hitler đã trách cứ các tướng lĩnh thiết giáp Đức vì đã để lại nhiều khoảng hở trong vòng vây; trong khi đó các lực lượng thiết giáp Đức cũng đã mệt mỏi và hao hụt nhiều sau một tuần hành quân liên tiếp, trong quá trình khép kín vòng vây họ buộc phải dừng lại để chờ các đơn vị bộ binh đến. Họ sợ rằng, nếu đà tấn công của quân Đức bị chậm lại thì Hồng quân có thể tổ chức các phòng tuyến vững chắc hơn ở sông Dneprsông Dvina Tây. Kurt von Tippelskirch nhận xét rằng người Nga đã phòng ngự với lòng quyết tâm và ý chí ngoan cường không thể ngờ đến, ngay cả khi bị đánh vu hồi và bao vây. Hành động đó đã làm cho họ tranh thủ được thời gian và đưa ra tuyến trước những lực lượng mới để tiến hành phản kích.[25] Và sự thực là điều đó đã xảy ra khi đến ngày 28 tháng 6, một Phương diện quân mới của Liên Xô đã được bố trí dọc sông Berezina, buộc Cụm tập đoàn quan Trung tâm (Đức) phải tiến hành trận Smolensk đẫm máu để mở đường tiến về Moskva.

Ảnh hưởng

Những thất bại tại Belorussia vào mùa hè năm 1941 đã có một tác động mạnh về tâm lý đến Ban lãnh đạo của Liên Xô. Ngày 28 tháng 6, I. V. Stalin đã nói với các thành viên của Bộ Chính trị:

Lenin để lại cho chúng ta một di sản tuyệt vời. Và chúng ta, những người thừa kế di sản ấy phải hoàn thành trọn vẹn...
— I. V. Stalin, [26]

Tác động tâm lý ấy còn trầm trọng thêm khi I. V. Stalin yêu cầu truy tố các tướng lĩnh đã chịu trách nhiệm về việc để thất trận nhanh chóng tại Belorussia. Ngày 1 tháng 7, tướng D. G. Pavlov cùng bộ chỉ huy của phương diện quân Tây đã bị triệu hồi về Moskva và bị đem ra xét xử ở tòa án quân sự vì đã tổ chức phòng ngự một cách hỗn loạn và rút lui vô tổ chức. Sự việc chưa dừng lại tại đó, ngày 8 tháng 7, Cơ quan thanh tra quân đội Liên Xô tiếp tục bắt giữ và đưa ra tòa án quân sự một số tướng lĩnh khác.[27] Ngày 22 tháng 7 năm 1941, tướng D. G. Pavlov nguyên tư lệnh Phương diện quân Tây, tướng V. E. Klimovskikh, tham mưu trưởng phương diện quân và tướng T. A. Grigoriev, chủ nhiệm thông tin phương diện quân, tướng N. A. Klich, chủ nhiệm pháo binh của Phương diện quân, tướng A. A. Korobkov, tư lệnh tập đoàn quân 4, tướng S. I. Oborin, tư lệnh quân đoàn cơ giới 14 bị xử bắn. Sau cái chết của Stalin, năm 1956, tất cả các tướng lĩnh bị xử bắn trong vụ này đã được phục hồi danh dự quân nhân, phục hồi cấp bậc quân hàm và được truy tặng Huân chương Chiến tranh giữ nước vĩ đại.[28].

Sử sách Liên Xô (cũ) và nước Nga hiện nay đánh giá cao công lao xương máu của những người lính Xô Viết đã tử trận trên chiến trường Belorussia trong thời kỳ đầu chiến tranh. Bất chấp sai lầm của các cấp chỉ huy, kể cả I. V. Stalin, trong ranh giới giữa cái sống và cái chết, xe hỏng, đạn hết; chỉ còn lại lựu đạn, chai cháy và súng trường, họ gần như đem thân mình ra cản bước tiến của các đoàn xe tăng Đức, kìm giữ các đạo quân này để các tuyến phòng thủ phía sau có thêm thời gian tổ chức phòng thủ. Trung tướng quân đội Đức Quốc xã Kurt von Tippelskirch nhận xét: "Đối phương tỏ ra có khả năng kháng cự hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng. Họ đã bị tổn thất rất nặng nhưng những thiệt hại đó vẫn không thể đè bẹp được ý chí của họ. Người lính Nga khác hẳn những đối thủ khác của chúng ta ở chỗ họ coi thường cái chết. Tinh thần chịu đựng và ý thức nghĩa vụ đã làm cho họ kiên trì chiến đấu đến khi bị giết trong chiến hào hoặc trong các trận đánh cận chiến bằng lưỡi lê và báng súng".[29]

Về phía quân đội Đức, những đợt tấn công với tiến độ mau chóng của Đức đã giúp họ có thể nhanh chóng phát triển tấn công từ các đầu cầu đã chiếm được về hướng Smolensk, và từ đây họ có thể tổ chức tấn công vào thủ đô Moskva. Thành công trong các đợt tiến công ban đầu của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) còn làm cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phải rút một tập đoàn quân (tập đoàn quân 16) và một quân đoàn cơ giới từ Phương diện quân Tây Nam đến phương diện quân Tây, các tập đoàn quân dự bị (19, 20, 21, 22) đều được tung ra mặt trận phía Tây, tạo thuận lợi cho Cụm tập đoàn quân Nam công kích trên hướng Kiev và Cụm tập đoàn quân Bắc tiến đánh Leningrad.

Việc để thua trận tại Belorussia cũng có ảnh hưởng đến quan hệ giữa Liên Xô với các nước Anh, Mỹ lúc này còn đang giữ thái độ thận trọng và nghi ngờ vào sức mạnh của quân đội Liên Xô. Tham tán quân sự đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva đã đoan chắc rằng chỉ là vấn đề một vài ngày trước khi quân Đức có mặt ở Moskva. Trong khi đại diện Anh, Huân tước Beaverbook nghi ngờ khả năng chống cự của Liên Xô thì đại sứ Hoa Kỳ Averell Hariman và đại tá tùy viên quân sự Phillip Faymonville đều tin rằng người Nga có đủ khả năng ngăn chặn kẻ thù của họ.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Białystok–Minsk http://www.idiot.vitebsk.net/i40/mart41_1_2.htm http://poisk.slonim.org http://il2.is74.ru/airwar/militera-mirror/memo/rus... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_06.html http://militera.lib.ru/memo/russian/ivanov_sp/inde... http://militera.lib.ru/research/meltyukhov/12.html http://liniastalina.narod.ru/str/main.htm http://www.soldat.ru/doc/casualties/book/ http://www.warheroes.ru/hero/hero.asp?Hero_id=1000 http://www.theeasternfront.co.uk/Battles/bialystok...